Ở trên đời cái gì càng thiếu thốn, cái ấy càng được thèm muốn. Chỉ vỏn vẹn vài thập kỷ, nhân loại đã có được những thành tựu khoa học kỹ thuật khổng lồ, những điều vốn chỉ có trong phim viễn tưởng của thế kỷ trước. Ấy thế mà ngay tại đỉnh cao của sự tiến bộ này, ở bên trong chúng ta lại nảy sinh một khao khát được quay trở về và kết nối với tự nhiên, thứ mà chúng ta đã quay lưng lại trong suốt công cuộc tiến hoá vĩ đại của mình. Chúng ta bắt đầu thích ở homestay, thích ăn đồ ăn hữu cơ, thích đi chân trần trên mặt đất (earthing), thích bỏ phố vể rừng…
Suy cho cùng, tôi thấy rất khó để vạch ra một ranh giới giữa cái gì là tự nhiên, và cái gì là phi tự nhiên. Bản thân chúng ta thuộc tự nhiên, hay chúng ta là “loài người”, một giống loài phi tự nhiên?
Nếu coi chúng ta thuộc tự nhiên, vậy thì tất cả mọi thứ con người đã chế tạo nên đều thuộc tự nhiên. Cứ tiếp tục sống tự nhiên như cũ. Hết chuyện.
Nếu coi chúng ta không phải là tự nhiên, vậy thì thuận theo tự nhiên để làm gì? Vì chúng ta đâu thuộc về nó. Cứ phi tự nhiên tiếp thôi. Cũng hết chuyện luôn.
Đấy bạn ạ, đấy chính là lối cụt khi sa đà vào tranh luận lý thuyết. Chúng ta cứ thích phải làm thật rõ ràng, thật đúng đắn, phải rút ra kết luận tường minh. Kết luận ấy phải khoa học, phải được chứng minh thực tiễn, phải có nội hàm sâu sắc.
Thành ra đôi khi chúng ta mải mê cãi nhau mà chẳng rút ra được cái gì. Ví dụ như ăn trứng tốt hay xấu, hay dầu ăn với mỡ động vật cái nào tốt hơn? Chỉ có thế thôi mà tranh luận suốt mấy thập kỷ rồi đấy. Vẫn chia phe và chưa phe nào chịu nhường phe nào. Đôi lúc sự việc nó không rõ trắng, đen mà là những dải màu xám nhờ nhờ ở giữa thôi.
Thay vào đó, nên chăng ta hãy rút ra những kinh nghiệm từ trực giác và trải nghiệm riêng. Kết luận đó không cần đúng với số đông. Nó chỉ cần đúng với bản thân mình. Ta có thể mạnh dạn chọn và chịu trách nhiệm cho quyết định cá nhân này.
Trước hết, tôi sẽ chia sẻ một số quan điểm của riêng tôi.
Thứ nhất, tôi cho rằng quan điểm – loài người tiến hoá 6 triệu năm tới thời kỳ tiền nông nghiệp, sau đó từ thời kỳ nông nghiệp cho tới nay chỉ khoảng mười ngàn năm, không đủ để cơ thể sinh học chúng ta thích nghi quá nhiều – là chưa đúng lắm. Tôi nghĩ chúng ta đã thay đổi khá nhiều so với tổ tiên gần. Ví dụ như xương hàm nhỏ lại, xương chậu bé đi, dạ dày cũng thích nghi với việc tiêu hoá ngũ cốc hơn…
Thứ hai, từ quan điểm trên tôi nghĩ không nên học theo tổ tiên quá xa so với chúng ta trên cây tiến hoá vì điều kiện tự nhiên đã thay đổi rất nhiều. Kiểu như uống nước sông Tô Lịch của mấy ngàn năm trước thì có thể thanh mát, thơm ngọt chứ ngày nay mà uống thì chắc đi gặp ông bà luôn. Phải đun sôi rồi hẵng uống dù nó không được tự nhiên lắm.
Thứ ba, những gì “tự nhiên” nhất thì cũng rất khắc nghiệt, và đi kèm những mặt trái của nó như là: tuổi thọ ngắn, tỷ lệ chết nhiều khi sinh sản, hay đơn giản hơn, không có kem đánh răng hoặc Internet.
Điều đó không có nghĩa là ta không nên quá sa đà vào cuộc sống hiện đại. Sau đây là một thứ tôi tự rút tỉa ra được để sống gần tự nhiên hơn:
Tắm nắng. Tôi thấy uống Vitamin D khá là …ngớ ngẩn ở đất nước nhiệt đới này. Sau một thời gian, người ta thấy Vitamin D uống khó hấp thụ nên giờ họ phải nghĩ ra thêm công nghệ Nano gì đó. Chắc lại chiêu trò tiếp thị. Mệt lắm. Cứ ra mà phơi nắng cho khoẻ xương và nhiều hóc môn hạnh phúc. Nếu bạn thích trắng và sợ giang nắng da bị lão hoá thì tuỳ bạn. Tôi không thích có làn da mịn màng nhưng bị loãng xương và trầm cảm.
Đi bộ nhiều. Chúng ta ngồi nhiều quá. Nên đi bộ nhiều hơn. Đi bộ giúp tuần hoàn máu tới thân dưới tốt hơn, giảm tải ở cột sống và hỗ trợ tiêu hoá. Chỉ đi bộ 15-30 phút mỗi ngày bạn sẽ cải thiện sức khoẻ rất nhiều. Đặc biệt là các cơn đau lưng sẽ giảm rõ rệt.
Ăn rau quả thay vì thực phẩm chức năng. Nói chung cơ thể chúng ta bóc tách Vitamin và khoáng chất từ thực phẩm sẽ thành thạo nhất. Các loại thực phẩm chức năng thì chỉ nên uống hạn chế, khi có bệnh chẳng hạn. Hãy nhớ rằng mỗi loại chất bổ nào cho vào người sẽ LUÔN có một tác dụng phụ, ít nhất là nó làm mệt nội tạng vì phải lọc nhiều hơn.
Ăn thực phẩm địa phương. Vì ông bà tổ tiên chúng ta đã mất thời gian thích nghi với các loại thực phẩm bản địa, nếu ăn đồ nhập khẩu nhiều sẽ dễ gặp đề về tiêu hoá. Người phương Đông hấp thu sữa kém và dễ dị ứng với bột mỳ hơn là phương Tây.
Làm một việc một lúc. Não chúng ta không thiết kế để đa nhiệm như máy tính. Khi chúng tưởng mình đa nhiệm, não chỉ chuyển từ nhiệm này sang nhiệm khác cực nhanh mà thôi. Làm thế rất mệt, kéo dài sẽ dễ chóng mặt buồn nôn và sau là suy nhược thần kinh. Hãy đóng các cửa sổ lại và làm từng việc một. Làm xong thì hẵng chơi Facebook. Chơi xong cũng mới làm việc tiếp. Hãy rạch ròi làm và chơi.
Trên đây là vài điều chia sẻ rất giản dị của tôi để sống thuận tự nhiên hơn. Hy vọng chúng không quá ngớ ngẩn với bạn. Chào thân ái và quyết thắng!
https://lifechange.vn/thuan-tu-nhien/