
Ở bài trước, tôi đã giới thiệu với các bạn về vị lãnh chúa mới của truyền thông – the algorithm. Hôm nay, tôi sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn một vấn nạn mới của thời đại thông tin, đó là vấn nạn tin giả.
Thế nào là tin thật – giả?
Tin thật (fact) là các thông tin đã được kiểm chứng rõ ràng, có bằng chứng, và thường quá trình kiểm chứng phải được công bố để chúng ta có thể kiểm tra chéo lại. Lưu ý, tin đăng bởi các nguồn “uy tín” chưa chắc là tin thật. Chúng chỉ có độ tin cậy cao hơn thôi.
Tin giả (fiction) có tính chất hư cấu. Hư cấu nghĩa là… cấu (tạo) ra từ hư không, hay nói cách khác là bịa ra, bốc phét ra, tưởng tượng ra.
Tin thật rất đắt đỏ
Để đi đến một sự thật nào đó không dễ dàng. Sự thật sẽ phải đúng đắn, có cơ sở khoa học và đứng vững trước sự thử thách của thời gian. Có một vài loại sự thật phổ biến như sau.
Sự thật hiển nhiên, đã được chứng minh, ví dụ như: trái đất tròn. Khoa học đã chứng minh rồi, mình cũng biết rồi, không cần quá bận tâm. Ở trên thế giới cũng có một số ít bọn thần kinh vẫn tin là trái đất phẳng, nhưng chúng ta nên vị tha với lũ dở hơi đấy.
Tất nhiên sẽ có một số sự thực hiển nhiên đến một ngày không còn đúng nữa. Đó là khi khoa học có 1 bước tiến mới, tìm ra các sự thật mới đúng đắn hơn các sự thật cũ. Ví dụ, vật lý lượng tử phát hiện ở cấp độ nguyên tử và hạ nguyên tử, thế giới hoạt động theo quy luật khác hẳn vật lý Newton. Cái này mình cũng không cần quan tâm, vì nếu mình đủ khả năng tìm ra các sự thật mới như thế này thì cũng không ngồi đây đọc bài này nữa, he he.
Một loại sự thật thứ hai cũng rất phổ biến, tạm gọi là sự thật báo chí. Đây là loại sự thật mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày qua báo chí, truyền hình, các trang tin tức online. Về lý thuyết, sự thật báo chí phải là sự thật khách quan, trung thực, phản ánh đúng diễn biến của các sự kiện trong xã hội. Các nhà báo được đào tạo để thu thập thông tin, kiểm chứng nguồn tin, phỏng vấn các bên liên quan, và trình bày thông tin một cách rõ ràng, dễ hiểu cho công chúng.
Ví dụ, khi có một vụ cháy lớn xảy ra, báo chí sẽ vào cuộc để tìm hiểu: cháy ở đâu, cháy khi nào, thiệt hại ra sao, nguyên nhân cháy là gì, các cơ quan chức năng đã xử lý thế nào… Bản tin thời sự bạn xem trên TV hay bài báo bạn đọc trên mạng chính là sản phẩm của quá trình thu thập và xử lý thông tin đó.
Các loại sự thật rất khó đạt đến vì ngoài chính xác phải đạt được tính “trung lập”. Cái thông tin bạn nói đôi lúc không quan trọng bằng cách diễn đạt. Loài người chúng ta được kết nối và điều khiển bởi cảm xúc rất nhiều. Hãy lưu ý điều này.
Tin giả thì dễ ngụy tạo
Tin giả (fiction) được tạo ra từ trí tưởng tượng của con người, dựa trên cảm xúc, ham muốn, nỗi sợ hãi và các định kiến có sẵn. Không cần bằng chứng, không cần kiểm chứng, chỉ cần có một ý tưởng và khả năng kể chuyện là tin giả có thể được tạo ra và lan truyền.
Ở cấp độ trắng trợn nhất, người ta bốc phét ra các thông tin cướp – hiếp – giết, tiểu tam, đại tứ để câu view. Tại sao phải câu view? Để người khác tò mò bấm vào profile và mua hàng của họ. Để Page tăng thêm lượng truy cập, sau này còn dùng vào mục đích khác. Để thu tiền quảng cáo… Đây là loại tin giả tương đối dễ phát hiện và đối phó, cho đến khi AI Deepfakes – các loại video, âm thanh ngụy tạo cực kỳ tinh vi – xuất hiện.
Tiếp theo đó, là tin của hội các nhà sư “thích giả thuyết”. Khi một sự kiện diễn ra và báo chí chưa kịp vào cuộc và các thông tin điều tra chưa được công bố, các hoà thượng thích giả thuyết sẽ đưa ra các nguyên nhân, lý do, giả thuyết vô cùng hợp lý nhưng đều xuất phát từ trí tưởng tượng của họ. Đôi lúc họ cũng nói rõ đây chỉ là ý kiến cá nhân, nhưng thường thì cách họ nói ngầm ám chỉ rằng đây mới là sự thật “đang bị che dấu”.
Mệt mỏi nhất, khó kiểm soát nhất, nguy hiểm nhất, đó chính là luồng dư luận được điều khiển bởi các seeders. Ở đây các tổ chức lợi ích (vd: doanh nghiệp) có thể cài cắm nhiều seeders vào và cung cấp các trải nghiệm “cá nhân” có lợi cho lợi ích của tổ chức, làm nhiễu và định hướng dư luận. Loại thông tin này thuần tuý là chủ quan, ai cũng biết, nhưng vẫn bị tác động và dẫn dắt nếu không tỉnh táo.
Tin giả được yêu thích hơn
Tin thật thường mang tính lý trí, logic, có thể khô khan, phức tạp và ít khơi gợi cảm xúc mạnh so với tin giả. Trong một thế giới thông tin cạnh tranh khốc liệt, việc làm cho tin thật trở nên hấp dẫn và thu hút sự chú ý của công chúng là một thách thức lớn.
Tin giả không bị ràng buộc như tin thật. Người tạo ra tin giả có thể tự do bóp méo, phóng đại, thêm thắt, hoặc hoàn toàn bịa đặt các chi tiết để câu chuyện trở nên hấp dẫn, kịch tính hơn. Do vậy, tin giả dễ khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ (sợ hãi, giận dữ, phẫn nộ, tò mò) và thường được trình bày dưới dạng đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ chia sẻ. Điều này khiến chúng có khả năng lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trên mạng xã hội.
Sự nguy hiểm của tin giả
Rất có thể bạn đang suy nghĩ, tin giả thì mình tỉnh táo 1 chút là được, làm gì mà ghê gớm thế?
Trên thực tế, tin giả có khả năng tác động cực kỳ to lớn tới các cá nhân, đoàn thể và xã hội trên diện rộng. Hãy xem một vài ví dụ sau.
Pizzagate (2016)
Năm 2016, một thuyết âm mưu lan truyền trên mạng xã hội cho rằng có một đường dây buôn bán trẻ em liên quan đến chính trị gia Mỹ hoạt động trong một tiệm pizza ở Washington D.C.
Hậu quả: Một người đàn ông tin vào tin đồn này đã xông vào tiệm pizza với súng và bắn vài phát đạn, rất may không ai bị thương.
Source: The Guardian
Cổ phiếu ACB (2025)
Vào đầu tháng 1 năm 2025, trên mạng xã hội lan truyền tin đồn rằng lãnh đạo Ngân hàng ACB tham gia đánh bạc và chuyển tiền ra nước ngoài hàng chục triệu USD. Những thông tin này đã bị ACB bác bỏ và khẳng định là bịa đặt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngân hàng. Tuy vậy, sau khi tin đồn lan truyền, giá cổ phiếu ACB đã giảm 1,2% trong phiên giao dịch ngày 6/1/2025, tương đương vốn hóa thị trường mất đi gần 1.340 tỷ đồng.
Đốt tháp 5G vì tin là chúng phát tán Covid-19
Nếu bạn thích hài hước, hãy đọc bài báo sau: https://vnexpress.net/nha-mang-anh-van-nai-khong-dot-thap-5g-4080511.html
Theo The Verge, hiện có ít nhất bảy tháp di động đã bị đốt cháy ở Anh tuần qua. Vodafone cho biết bốn tòa tháp di động của họ đã bị đốt chỉ trong ngày 3/4, trong khi EE thừa nhận một tòa tháp của mình ở Birmingham cũng bị phá hoại dù không phát sóng 5G.
Kết luận
Trong môi trường mạng, nơi thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt và sự chú ý của con người trở nên khan hiếm, tin giả – dễ dàng tạo ra, cùng khả năng khơi gợi cảm xúc và tính đơn giản – đang chiếm ưu thế so với tin thật.
Điều này tạo ra thách thức lớn cho xã hội trong việc phân biệt đúng sai, xây dựng niềm tin, và đưa ra các quyết định dựa trên thông tin chính xác và khách quan.
Đừng chủ quan bất cứ khi nào tiếp xúc và tiêu thụ các thông tin trên truyền thông vì rất có thể chúng ta đang là nạn nhân, hoặc vô tình tiếp tay cho vấn nạn tin giả khi hồn nhiên lan truyền chúng.
Photo by Brett Jordan on Unsplash
https://lifechange.vn/that-gia-lan-lon/