Tầm quan trọng của việc thực hành

Tôi đã đề cập tới 3 phương pháp học của đạo phật là Văn – Tư – Tu. Trong bài viết này tôi sẽ tập trong vào yếu tố cuối Tu hay là sự thực hành. Nếu đọc và chiêm nghiệm là 2 yếu tố quan trọng và mang tính định hướng, thì sự thực hành sẽ chiếm 80% khối lượng công việc và đem lại sự hiểu biết sâu sắc và rõ ràng.

Trong cuốn sách “Ngọc Sáng Trong Hoa Sen” của John Blofeld, có một câu nói rất đáng nhớ của cư sỹ Tạ Hải, cũng nhờ câu nói này mà tác giả (John) giác ngộ ra tầm quan trọng của việc thực hành và bỏ bớt việc học từ chương sách vở.

Câu nói đó là: nếu muốn biết về Tây Hồ (Hàng Châu, Trung Quốc), thì hãy đến Tây Hồ và thưởng ngoạn. Đừng đọc về Tây Hồ qua văn thơ, và cũng đừng tưởng tượng về Tây Hồ. Đơn giản bạn chỉ việc đi tới Tây Hồ. Đó là cách trực tiếp và ngắn nhất.

Việc đọc và chiêm nghiệm mà thiếu sự thực hành cũng giống như bạn muốn học bơi, nhưng chỉ đứng trên bờ xem người khác bơi mà không nhúng người xuống nước. Bạn có thể tìm hiểu mọi lý thuyết, nhưng lần đầu xuống nước bạn sẽ như một chú cá mắc cạn. Việc giữ cho cơ thể nổi được lên sẽ xâm chiếm toàn bộ tâm trí của bạn, đánh bay hết các lý thuyết hít thở hay phương pháp tối ưu hoá các cử động dưới nước. Bạn chỉ mong mình không bị chìm.

Cũng như vậy, khi thiếu sự thực hành, ta không biết được điều quan trọng nhất mà mình đang cần ở hiện tại là gì và dễ có xu hướng chìm đắm trong việc tìm hiểu và đọc lan man. Đôi lúc những kiến thức ta đọc lại rất sâu và quá tầm tay vào thời điểm này.

Sự nguy hiểm thứ hai của việc thiếu thực hành đó là khi đọc và chiêm nghiệm thuần tuý, bạn rất dễ sinh ra ảo tưởng rằng mình đã nắm được những kiến thức trong sách. Trên thực tế bạn chỉ học thuộc những kiến thức này hoặc biết về chúng, chứ chúng chưa thực sống ở bên trong bạn.

Kiến thức như vậy ta có thể nói là kiến thức chết, hời hợt, không sinh động và không có khả năng gây ảnh hưởng tới người khác. Giống như một bác sỹ đã học hết 6 năm y khoa nhưng không cách nào chẩn đoán bệnh lâm sàng vậy. Bác sỹ ấy cần những bệnh nhân thật với những căn bệnh thật để rèn luyện tay nghề.

Một tác giả giỏi sẽ chỉ ra những điểm quan trọng nhất một cách đơn giản và dễ tiếp thu nhất. Thế nhưng người đọc luôn tiếp nhận kiến thức tuỳ theo năng lực hiểu biết và trải nghiệm của mình.

Chuyện thường xảy ra đó là cùng một cuốn sách nhưng đọc ở những thời điểm khác nhau lại cho ta những kiến thức khác nhau. Đôi khi đó là một khoảnh khắc Eureka giật mình phát hiện ra những điều sách nói rất tuyệt mà mình đã bỏ sót biết bao lâu nay. Khoảng trống giữa những lần đọc chính là trải nghiệm đem lại từ thực hành khiến bạn trở nên thông thái hơn. Bạn đã biến kiến thức thành của mình, nên mới có cái hiểu sâu sắc và sẵn sàng cho những kiến thức mới.

Các kiến thức tinh tế thưởng chỉ có cơ hội phát sinh từ việc thực hành. Nếu là trong ví dụ bơi, người tập bơi nhờ luyện tập chăm chỉ sẽ phát hiện ra: góc độ nào tay rẽ nước là hợp lý nhất, nhịp thở nào tối ưu nhất, sự khác biệt khi thay đổi cách đạp chân… Tất cả những điều này chỉ có thể học được từ thực tế. Đôi lúc sách có thể đề cập tới nhưng người chưa tập luyện dễ bỏ qua vì thiếu kinh nghiệm.

Tương tự như vậy, nhiều kiến thức mang tính cá nhân hoá rất cao. Mỗi người trong thực hành sẽ tìm ra đường lối riêng phù hợp với thói quen, lối suy nghĩ hay đặc tính cơ thể mình. Và điều này chỉ có thể đúc rút từ thực tế trải nghiệm.

Hãy đọc bớt lại, thực hành nhiều rồi hẵng quay lại đào sâu tìm tòi trong sách vở. Lặp đi lặp lại quá trình này cho tới khi bạn thực sự sở đắc kiến thức đó.

Đừng lý thuyết suông.

https://lifechange.vn/tam-quan-trong-cua-viec-thuc-hanh/