Ta thực sự sở hữu những gì?

Như đã nói trong nhiều bài viết trước, bất toại nguyện là bản chất của cuộc sống nếu như ta mong cầu hạnh phúc từ những thứ có điều kiện như tài sản, công danh, luyến ái, tiếng tăm…

Như vậy có một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm bớt khổ đau và sự bất toại nguyện trong cuộc sống. Một đáp án khá tốt là hãy nhìn nhận cho đúng nguồn gốc của những nỗi khổ này. Thường thì ta ưu phiền, sầu đau, khổ não vì những gì cho là mình, cho là của mình. Tư duy này sâu kín, rắn chắc và vô cùng khó phá bỏ.

Với người Việt Nam nói chung, sở hữu lớn nhất thường là một căn nhà. Về căn bản, chúng ta chỉ “mượn tạm” đất của nhà nước. Nếu khu vực ta sinh sống cần giải toả, căn nhà sẽ biến mất sau một tờ A4. Quyền sở hữu tưởng như chắc thực đó thật ra vô cùng mong manh.

Sau nhà sẽ tới xe cộ và các tài sản khác (tiền bạc, ngoại tệ…) Những vật chất ngoài thân này đúng là thuộc quyền sở hữu của chúng ta về mặt pháp luật, nhưng lại sẵn sàng chào tạm biệt khổ chủ tuỳ theo những hoàn cảnh đưa đẩy như thiên tai, địch hoạ, nợ nần cờ bạc… Covid-19 vừa rồi là một ví dụ tiêu biểu với việc hàng loạt doanh nghiệp tuyên bố phá sản.

Con người không vì lợi thì sẽ vì danh. Cái danh cũng là một thứ tài sản vô hình mà nhiều người gom góp tích trữ và xây dựng cả đời, đặc biệt là giai cấp trí thức hay thường cho mình là trong sạch, không màng thế sự. Tài sản này thậm chí còn mong manh hơn là tài sản vật chất vì nó phụ thuộc vào sự đánh giá của thế gian. Bạn béo thì người ta bảo bạn ăn lắm; bạn gầy thì người ta bảo bạn làm nhiều quên ăn; bạn không gầy không béo thì người ta bảo bạn chỉ biết chăm lo cho ngoại hình. Ngàn năm bia miệng sẽ còn trơ trơ ra đấy, có nên bám vào cái bia này để mà sống hay không?

Vì đang sống trong thời bình, cũng là một khoảng thời gian dài hiếm hoi mà đất nước không có chiến loạn nên đã dung dưỡng cho chúng ta quan niệm sở hữu bền vững thâm căn cố đế. Trên thực tế, dải đất chữ S này lúc nào cũng có chiến tranh, một lúc có 2, 3 chế độ, vương quyền cùng cai trị. Sự bất ổn là yếu tố nổi trội trong lịch sử nước ta.

Ai đặt niềm tin và công sức vào việc sở hữu gom góp tài sản, rồi cũng sẽ có một ngày thấu hiểu nỗi khổ do chúng đem lại. Đây là một sự thực mà Đức Phật đã tuyên bố dõng dạc 25 thế kỷ trước.

Chúng ta chỉ có 2 tài sản lớn nhất là thực của mình, không vua chúa, chiến tranh hay thiên tai dịch bệnh nào lấy đi được. Đó là trí tuệ và các thiện nghiệp mình đã làm. Chỉ có 2 tài sản này sẽ đi theo chúng ta trong các kiếp sống.

Các thiện nghiệp có thể vun bồi từ những hành vi cho đi, giúp đỡ người khác không vụ lợi. Không phải chỉ làm từ thiện mới là cho. Chúng ta có thể ban phát nụ cười, sự động viên hay che chở cho những người gặp khó khăn.

Không vụ lợi rất quan trọng. Nên cho từ một cái tâm tự nhiên mong muốn chia sẻ. Cho rồi không nên khoe, và càng không nên đăng lên Facebook. Đừng cho để mong nhận lại các nghiệp tốt hoặc thoả mãn cái danh là người hay làm từ thiện. Cho như thế không trọn vẹn.

Trí tuệ có thể được nuôi dưỡng, làm cho lớn mạnh từ việc học, chiêm nghiệm, và thực hành trong công việc hoặc trong thiền tập. Trí tuệ là gì? Trí tuệ là sự hiểu biết về bản chất thực tại của cuộc sống, phát triển sự hiểu biết này cho sâu sắc trong từng sự việc cụ thể, nuôi dưỡng sự hiểu biết này để có thể có mặt bên trong ta từng giây phút trong cuộc sống. Khi đó cái tâm sẽ không còn bám chấp vào các thái cực nhị nguyên tốt – xấu đúng – sai, buông bỏ dần các sở hữu định danh và trở nên trong sạch, không dính mắc. Khi đó tâm sẽ mạnh mẽ không dao động và hoàn toàn bình yên.

An Nam đệ nhất lý số Trình Tuyền Hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm, là người đã sống qua 4 triều đại phong kiến trong thế kỷ 16. Ông đã làm quan, là nhà quân sư, nhà lý số lỗi lạc được các thế lực vua chúa tin dùng, nương nhờ khi gặp khó khăn. Nhìn ra thế sự ngổn ngang, ông không để vướng mắc vào một tập đoàn phong kiến nào mà thản nhiên sống cuộc sống “thu ăn măng trúc, đông ăn giá“, ở quê nhà dạy học và đào tạo ra những nhà Nho tài giỏi để góp phần phụng sự cho đất nước.

Thái độ ung dung tự tại của ông có thể để lại cho chúng ta ít nhiều thiền vị và một bài học sâu sắc trong cuộc sống về sự sở hữu:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp.
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
https://lifechange.vn/ta-so-huu-nhung-gi/