Sự tôn trọng

Phương Tây có một câu ngạn ngữ rất hay: “Respect is earned not given“. Sự tôn trọng là do gặt hái được chứ không phải là sự ban phát ép buộc. Tôi đã từng bàn qua về chủ đề này ở bài viết Thân giáo, nhưng trong bài này sẽ nói kỹ hơn về nguồn gốc và sự nguy hiểm của việc được tôn trọng.

Sự tôn trọng mà chúng ta dành cho một cá nhân, tập thể hay một lý tưởng sống đến từ sự ngưỡng mộ những phẩm chất mà chúng ta mong muốn có được. Nó là tự nguyện, chủ động và không có tính bắt buộc. Không thể có được sự tôn trọng mà tôn trọng tự nó phát sinh.

Sự tôn trọng chỉ đến từ những nỗ lực không lời bền bỉ chứ không nhờ sự rao giảng. Thùng rỗng thì kêu to. Rao giảng nhiều chỉ khiến các thông điệp trở nên sáo rỗng, nhàm chán và thiếu sức sống. Tôn trọng phát sinh đối với những ví dụ trực quan sinh động và mang tính truyền cảm hứng cao, thường là trong nghịch cảnh khó khăn.

Nghịch lý là người đi tìm cầu sự tôn trọng của người khác thì lại thường không được tôn trọng. Điều đó rất dễ hiểu vì người khác chỉ tôn trọng mình khi mình có sự tôn trọng bản thân đúng đắn và phù hợp. Một người có danh dự và sự tôn trọng với bản thân mình sẽ không đi tìm kiếm sự tôn trọng của người khác. Điều đó buồn cười và phù phiếm. Nó là tất cả những gì ngược lại với những gì cần làm, nếu bạn thực sự theo đuổi một lý tưởng chân thực và cao đẹp.

Như đã nói ở trên, sự tôn trọng đến một cách tự nguyện, nên đừng tìm kiếm sự tôn trọng của người khác. Bạn không thể có được sự tôn trọng khi cố đi tìm nó. Nó sẽ đến những lúc bất ngờ nhất, khi đạo đức bạn được trau dồi và toả hương thơm ngát. Đức Phật từng nói, không có hương thơm nào sánh với hương thơm của người trong sạch, giữ giới. Người có giới đức sẽ được người khác tôn trọng, thích gần gũi, học hỏi và làm theo.

Tại sao lại quan tâm tới sự tôn trọng khi mình theo đuổi những phẩm chất tốt và không phù phiếm? Vì sự tôn trọng của người khác với mình như một tấm gương phản chiếu các giá trị bản thân. Nếu như chúng ta vẫn thao thao bất tuyệt về các lý tưởng cao đẹp mà không có được sự tôn trọng của người khác, nghĩa là có thể chúng ta có vấn đề.

Không phải lúc nào sử dụng hệ quy chiếu từ bên ngoài cũng đúng, nhất là về những phạm trù trừu tượng và nhiều tranh cãi như lối sống, đạo đức. Một người có thể không đồng ý với bạn, ghét bạn, không sao cả. Nhưng tất cả những người xung quanh cùng bất bình với bạn ở một điểm nào đó, rất có thể bạn có vấn đề đó thật.

Hãy mượn những tấm gương này để nhìn ra sự bất toàn và sống tốt hơn. Đừng dùng nó để “giả vờ hoàn thiện” bản thân và nỗ lực thể hiện tốt đẹp trước mặt người khác. Điều đó là gian dối với bản thân mình.

Bạn không hoàn thiện, bạn đang nỗ lực hoàn thiện và bạn sẽ mắc lỗi như mọi người khác. Việc bạn cần làm là sửa lỗi và sống tốt hơn chứ không phải là đi chứng minh mình không mắc lỗi, hoặc mình đã sửa được lỗi rồi, dù bạn đã làm được điều đó thật.

Hãy để hữu xạ “tự nhiên” hương. Một bông hoa không cần gồng mình lên để hương bay đi thật xa.

Khi có được sự tôn trọng, đầu tiên hãy vui mừng vì các giá trị mình trau dồi đã thực sự trở nên hiện hữu và được công nhận. Điều đó rất đáng quý và là một giấy chứng nhận tốt đẹp cho những nỗ lực phát triển bản thân.

Tiếp theo đó, hãy quên phắt nó đi.

Ừ thì anh khá đấy, giờ anh hãy bỏ qua những lời khen ngợi và tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn. Đừng sống với sự tung hô và những hào quang phù phiếm. Về cảm giác, “danh” nó không xôi thịt như “lợi” mà có vẻ cao quý, thanh bạch hơn. Thế nhưng thực tế sự đam mê danh tiếng còn ngọt ngào, nguy hiểm và gây nghiện hơn cả đam mê lợi dưỡng.

https://lifechange.vn/su-ton-trong/