Muốn thành công, hãy đúng giờ!

Ở Huế có một vị võ sư Karate-Do gần 80 tuổi mới “về hưu” – trao lại quyền điều hành võ đường cho con trai. Đó chính là võ sư Nguyễn Văn Dũng, nguyên chưởng tràng hệ phái Suzucho Karate-Do (1995 – 2006), điều hành võ đường Nghĩa Dũng Không Thủ Đạo nổi danh tại Huế, người đã đào tạo hàng triệu võ sinh Karate-Do ở Việt Nam.

Thầy Dũng có một phương châm nổi tiếng và là kim chỉ nam trong việc xây dựng tính cách học trò, đó là luôn đúng giờ. Thầy chia sẻ:

“Giờ thầy Dũng” là do các học sinh cũ đặt cho tôi. Nghĩa là phải đúng giờ, không co giãn, du di, không sớm hay muộn dù chỉ một phút. “Đúng giờ” và “hết mình” là tôn chỉ của thầy. Chậm một phút, bị đóng cửa; chậm một phút, bị phạt… Luôn phải hết mình trong mọi việc, dù đó là việc của mình hay của người, việc yêu thích hay không thích, việc nhất thời hay lâu dài.

“Đúng giờ và hết mình, chỉ cần thực hiện hai điều đó, các trò có thể đủ cơm ăn trong suốt cuộc đời!” – Đó là phương châm sống đơn giản nhất mà tôi cố khắc ghi trong học trò của mình. Nhiều thế hệ võ sinh của Nghĩa Dũng đường làm được điều này, nên họ rất thành công, không chỉ đủ cơm ăn cho mình mà còn có thể giúp người khác, có thể trở thành người thành đạt.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng

Tôi thích cách võ sư Dũng tập trung vào xử lý một vấn đề, thay vì đặt ra quá nhiều phẩm chất đạo đức, đôi khi khiến chúng trở nên sáo rỗng. Đúng giờ là chuyện tưởng như rất dễ nhưng lại bao gồm rất nhiều tính cách và đạo lý ở bên trong.

Thứ nhất, người đúng giờ là người có kỷ luật. Ai cũng có 24 giờ trong một ngày và một núi công việc. Người đúng giờ là người rèn luyện để sắp xếp, ưu tiên và phân bổ thời gian hợp lý. Anh ta cam kết với bản thân là sẽ tôn trọng thời gian của mình và của người khác, và tìm mọi cách để đáp ứng cam kết linh thiêng đó.

Thứ hai, người đúng giờ là người biết nghĩ cho người khác. Nếu bạn đi muộn 10 phút, đó không phải chỉ là 10 phút của bạn, đó là 10 phút của tất cả những người sẽ gặp bạn. Nếu bạn họp với 5 người, bạn đã lãng phí 60 phút của mình và 5 người đó. Điều đó không nhỏ một chút nào.

Cuối cùng, người đúng giờ là người có lòng tự trọng cao. Không chỉ tôn trọng mình, người đúng giờ muốn được tôn trọng và sống đúng với lòng tự trọng đó. Những cá nhân nghiêm túc luôn đúng giờ và họ có được sự tôn trọng cao nhất từ phía bạn bè và đối tác.

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta không thể đúng giờ vì những lý do khách quan, dù đã hết sức cố gắng. Trong trường hợp đó, nhất thiết phải thông báo tới người mình sẽ gặp về việc chậm trễ và lý do. Và quan trọng hơn, bằng mọi giá không lặp lại lỗi lầm đó.

Các tiêu chí tuyển dụng của tôi ngày xưa cũng khá dài dòng. Bây giờ tôi chỉ tập trung vào 2 điều: ứng viên đúng giờ, và trung thực. Nếu họ đúng giờ, họ có kỷ luật và lòng tự trọng. Nếu họ trung thực, họ có đạo đức. Những vấn đề khác sẽ đào tạo được trên 2 nền tảng này.

Vậy theo tôi trước khi rèn luyện bất cứ một phẩm chất nào, hãy tập trở nên đúng giờ.

Cá nhân tôi có một câu chuyện rất đáng nhớ về việc đúng giờ. Tôi vốn là người khá đúng giờ nhưng đúng giờ theo kiểu hẹn 3:00 thì tầm 2:57 tôi mới có mặt. Nghĩa là cứ sít sìn sịt như thế. Lúc nào cũng trong tình trạng chạy đua thời gian, rất mệt mỏi.

Có một người anh lớn đã dạy cho tôi một bài học. Nếu hẹn 3:00, anh sẽ chuẩn bị sớm và có mặt trước hẳn 15-20 phút. Là dân nhà nước nhưng anh luôn tới sớm và tôn trọng giờ hẹn. Nếu có kẹt xe hay gặp trục trặc gì, vẫn có một khoảng thời gian dự trù để xử lý, trong một tâm thái thong thả. Điều đó rất đáng quý.

https://lifechange.vn/muon-thanh-cong-hay-dung-gio/